Từ khóa: Ưu đãi thuế
Ưu đãi thuế cho công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
a. Định nghĩa về năng lượng tái tạo
- Khoản 3 Điều 3 Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 định nghĩa như sau:
“Tài nguyên năng lượng tái tạo gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo.”
Khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2014 (đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/20222) quy định về năng lượng tái tạo như sau:
“1. Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.”
Như vậy cũng có thể hiểu đơn giản năng lượng tái tạo được hình thành từ tự nhiên, và có khả năng tự phục hồi trong khoảng thời gian ngắn khác với năng lượng hóa thạch khác. Một số nguồn năng lượng tái tạo phổ biến hiện nay như:
+ Năng lượng mặt trời (solar energy)
+Năng lượng gió (wind energy)
+ Năng lượng sinh khối (biomass energy)
+ Thủy điện nhỏ (small hydro power)
+ Năng lượng địa nhiệt (geothermal energy)
+ Năng lượng đại dương (ocean energy) – bao gồm sóng, thủy triều
b. Ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp
Theo Phụ lục II Kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, “Sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải.” là nhóm ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
- Về thuế suất ưu đãi Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Theo điểm b khoản 1 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC), thì “Sản xuất năng lượng tái tạo” được hưởng Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm năm (15 năm).
- Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế: Theo điểm a khoản 1 Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC), thì Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với dụ án đầu tư “Sản xuất năng lượng tái tạo”.
Lưu ý: Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định nêu trên được tính từ năm được cấp Giấy chứng nhận công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
c. Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 14 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP):
“Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”
Như vậy, với hàng hóa nhập khẩu dùng để hình thành tài sản cố định thực hiện dự án “Sản xuất năng lượng tái tạo” sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
d. Miễn/giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
Thời gian miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 39 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, tùy thuộc việc đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghệ cao hay không, ví dụ như sau:
- Miễn 11 (mười một) năm đối với dự án sản xuất, kinh doanh đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
- Miễn 15 (mười lăm) năm đối với dự án sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
- Miễn toàn bộ thời gian thuê đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thực hiện các dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
e. Một số ưu đãi khác
Một số ưu đãi về chính sách mua bán sản phẩm đầu ra tùy thuộc từng thời kỳ, nhưng nói chung sẽ được Chính phủ rất quan tâm và xem xét tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
- Như ưu đãi về quy định giá mua điện từ năng lượng tái tạo cao hơn so với điện truyền thống, hoặc,
- Giá mua điện ưu đãi đối với điện mặt trời áp mái, hoặc
- Ưu đãi với điện gió
Trong trường hợp cần thêm thông tin chi tiết về chính sách ưu đãi thuế, vui lòng liên hệ Đại lý thuế MitoU để biết thêm thông tin chi tiết./.